Một số loại sâu bệnh thường gặp và cách phòng trừ sâu bệnh cho cây nho

Một số loại sâu bệnh thường gặp và cách phòng trừ sâu bệnh cho cây nho

Một số đối tượng sâu hại chính trên cây nho

Sâu xanh da láng, sâu ăn lá, sâu khoang, một số loại bọ cánh cứng,..: Đây là các đối tượng phá hoại nghiêm trọng trên cây nho. Chúng tập trung cắn phá bộ lá của cây, nguy hiểm hơn chúng cắn phá phần đỉnh sinh trưởng của cây (ngọn) làm cho cây không phát triển được do giảm nghiêm trọng khả năng quang hợp (mất lá) và mất khả năng vươn chồi cành (mất ngọn). Để phòng các đối tượng gây hại này cần nắm rõ qui luật phát sinh phát triển của chúng. Nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu như Sherpa 25 EC với liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha; Baythroid 050 SL liều 0, 5 lít/ha; Pegasus 500 ND liều lượng 0, 4 lít/ha; Match 050 ND liều lượng 0,4 lít/ha. Chú ý nên phun vào giai đoạn trứng đến sâu non tuổi 1 – 2 và kết hợp bắt thủ công đối với sâu đã lớn.

Bọ trĩ (Thrips spp.): Là đối tượng xuất hiện thường xuyên và có khả năng gây hại nghiêm trọng vào mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài. Đối tượng này gây hại chủ yếu trên tất cả các bộ phận non của cây, chúng cào xước tế bào non và hút nhựa. Tác hại chủ yếu làm xơ hóa thân lá, mất khả năng quang hợp và làm suy dinh dưỡng cây. Phòng trừ đối tượng cần duy trì độ ẩm đất, cây đủ nước và sử dụng một số thuốc hóa học, sinh học đặc hiệu như Vibamec 1,8 EC; Vertimec 1,8; Admire 50 EC, liều dùng 0,5 – 0,6 lít/ha; Confidor 100SL, liều dùng 0,3 – 0,5 lít/ha…

Rệp sáp (Ferrisiana virgata): Phá hại ở hầu hết các bộ phận của cây, chúng bám vào các cành, ngọn non, lá và chùm quả để hút nhựa. Phòng trừ đối tượng này cần phun rửa cành triệt để ngay sau khi cắt cành 2 – 3 lần để đảm bảo chắc chắn không còn rệp bằng các loại thuốc sau: Supracide 40EC, liều dùng 1 – 1,5 lít/ha, Confidor 100SL, liều dùng 0,3 – 0,5 lít/ha; Mospilan 3EC, liều lượng 0,5 – 0,7 lít/ha, ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc như Lannate 40 WP, Bassa 50 EC, Applaud 10 WP; Actara 25 WP; DC Tron Plus 98,8 EC…

Nhện đỏ (Eotetranychus carpiniy):Chỉ xuất hiện giai đoạn cuối vụ, chủ yếu hại trên lá bánh tẻ và lá già. Chúng tấn công làm cho lá vàng, khô và rụng. Có thể sử dụng thuốc Comite 73 EC; Kenthane 18,5 EC; Kulumus 80 DF; một số thuốc có chứa lưu huỳnh,… để phòng trị. Chú ý nhện đỏ gây hại mặt trên lá do đó phải phun đầu thuốc mặt trên lá.

Một số đối tượng bệnh hại chính

Bệnh mốc sương (Downy mildew) do nấm Plasmopora viticola gây ra, bệnh phát sinh mạnh vào các tháng mùa mưa và một số thời điểm có sương nhiều của mùa khô. Bệnh đầu tiên xuất hiện trên lá, sau hại cả tay leo, đọt, hoa và chùm quả. Trên lá ở mặt trên trước tiên có những vết màu xanh – vàng, sau đó chuyển sang đỏ nâu. Cùng lúc ở mặt dưới lá, tơ nấm phát triển thành một màng mỏng, trắng, những lông tơ (mốc sương)- Phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc dung dịch Boócđô 1%; Curzate M8; Ridomin MZ 72WP; Dithan M45; Champion 77 WP; Metaxyl 25WP; Melody 66,75 WP; Bayfidan 250EC; Tilt 250 ND; Aliette 800 WP; Daconil 75 WP.

Bệnh phấn trắng (Powdery mildew) do nấm Uncinula necator, còn được gọi là bệnh nấm xám, bột xám. Xuất hiện trên lá và cành nho; bệnh phủ một lớp phấn trắng như bột lên lá non, cành thân non. Trên cành lúc đầu bệnh cũng ở dạng phấn trắng, nhưng sau đó chuyển nâu – gần như đen. Bệnh nguy hiểm từ khi đậu quả đến chín, bệnh gây hại chủ yếu vào các tháng khi thòi tiết lạnh, nhiều mây. Biện pháp phòng trừ bằng các loại thuốc như lưu huỳnh vôi, Sumi – eight 12, 5WP liều lượng 0,3 – 0,5 kg/ha; Topsin M 70WP liều lượng 0,5 – 0,7 kg/ha; Anvil 5 SE liều dùng 0,75 – 1,0 lít/ha; Melody 66,75 WP; Anvil 5SC; Score 250 EC…

Bệnh nấm cuống do nấm Diplodia sp. gây ra. Bệnh gây hại vào các tháng mùa mưa và mùa khô khi có sương nhiều, phòng trừ bằng các loại thuốc như Bayfidan 250EC, 0,4 lít/ha; Curzate M8, 1 kg/ha; Ridomil MZ 72 BHN, 2- 3 kg/ha; Sumi eight 12,5 WP; Score 250 EC; Aliette 800WP; CuSO4…

Bệnh thán thư (Anthracnose) do nấm Elsinoe ampelina. Chủ yếu xuất hiện khi độ ẩm không khí cao, đặc biệt sau khi mưa hoặc nhiều sương. Bệnh chủ yếu phá hoại các bộ phận non như ngọn, thân, lá và quả làm cây mất khả năng quang hợp, cây không phát triển, phòng trừ bằng các loại thuốc Kocide 61,4 DF; VibenC; Boocdo… và một số loại thuốc gốc Carbelazim như Mancozer, Dithane M – 45… phun với nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo.

Bệnh gỉ sắt: Do nấm Pysopella vitis gây nên. Bệnh hại lá là chủ yếu, cũng chỉ xuất hiện mùa mưa, ở những lá hơi già dưới dạng những mụn rất nhỏ màu rỉ sắt. Hết mưa cũng hết bệnh. Không gây hại nặng nếu đã phun thuốc trừ bệnh phấn trắng và mốc sương. Phòng trừ bằng một số loại thuốc sau: thuốc gốc đồng như Kocide 61,4 DF; Champion 77 WP; Anvil 5SC; Sumi eight 12,5 WP; Tilt 250 ND…

Ngoài ra, kiến mối và một số loại nấm hại rễ, tuyến trùng…trong đất gây hại đáng kể cho cây nho.

Chú ý

– Khi cây nho đang giai đoạn nở hoa, nên kết thúc phun thuốc trước 7 giờ sáng hoặc tốt nhất nên phun vào chiều mát.

– Nên thay đổi luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc của sâu bệnh.

– Cần thu gom tàn dư bệnh ra khỏi khu vực sản xuất.

1
    1
    GIỎ HÀNG CỦA BẠN
    Cây giống Cherry Brazil cao 80cm - 90cm
    1 X 399,000 = 399,000