Lâu nay quả nho vẫn bị mang tiếng là “kẻ phá răng”, song thực chất thứ quả nhỏ bé này sở hữu 5 hợp chất đặc biệt có khả năng diệt khuẩn gây sâu và các bệnh nướu lợi.
“Quả nho vốn có vị ngọt và dính nên dễ bị đổ tội là gây sâu răng” – giáo sư Christine Wu, Đại học tổng hợp Illinois, nói – “Nghiên cứu đã cho thấy sự trái ngược. Những hợp chất thực vật trong nho rất tốt cho sức khỏe răng miệng, có thể diệt khuẩn gây sâu răng và bệnh nướu lợi. Ngoài ra, quả nho chứa đường fructose và glucose, chứ không phải sucrose gây bệnh”.
Wu và cộng sự đã tìm thấy 5 hợp chất có ích trong một giống nho không hạt là axit oleanolic, oleanolic aldehyde, betulin, betulinic axit và 5-(hydroxymethyl)-2-furfural.
Trong đó, axit oleanolic, oleanolic aldehyde, và 5-(hydroxymethyl)-2-furfural ức chế sự phát triển của 2 loại khuẩn: Streptococcus mutans (gây sâu răng) và Porphyromonas gingivalis (gây bao răng). Các hợp chất này chống khuẩn hiệu quả ở lượng 200-1.000 mcg/ml. Còn hai chất betulin và axit betulinic kém hiệu quả hơn nên cần nồng độ cao hơn.
Đáng chú ý là axit oleanolic, có khả năng khống chế khuẩn S. mutans ở nồng độ 131 mcg/ml. Loại khuẩn này chuyên bám trên bề mặt răng và tạo cao răng. Sau khi ăn ngọt, nó sẽ giải phóng axit ăn mòn men răng.
Trong một nghiên cứu trước đó do một đồng sự của Wu là bác sĩ nha khoa Shahrbanoo Fadavi thực hiện, người ta phát hiện ra nếu bổ sung nho và cám ngũ cốc không làm tăng tính axit của cao răng. Tuy nhiên, nếu hỗn hợp này có thêm đường thì lại trở thành kẻ thù của răng miệng.