Nho không chỉ là thực phẩm giá trị cao mà còn có tác dụng phòng chữa bệnh. Nó rất giàu polyphenol – một chất có hiệu quả cao trong việc hạn chế quá trình đông vón của tiểu cầu, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Hàm lượng polyphenol trong nho đen cao hơn so với các loại nho khác.
Từ xưa, quả nho đã được nhân dân ta và nhiều nước trên thế giới sử dụng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Thần nông bản thảo… cũng đề cập đến tác dụng chữa bệnh của nó. Các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông trong trước tác của mình đều ca ngợi giá trị dược dụng của nho. Trong Đông y, vị thuốc này có tên là bồ đào, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng thông thủy đạo, trừ phong hàn, tê thấp, làm nhẹ mình mẩy, mạnh thần trí.
Các nhà khoa học khuyên rằng, để phòng và chữa bệnh tim mạch, nên uống mỗi ngày 1-2 ly rượu vang đỏ. Nếu không có rượu, nên dùng nho tươi (ăn nguyên cả vỏ để được cung cấp một lượng polyphenol cao). Trước khi ăn, cần ngâm rửa kỹ nho dưới vòi nước chảy để loại bỏ lượng thuốc bảo vệ thực vật bám ở vỏ.
Các nghiên cứu cho thấy, chất polyphenol trong quả nho không chỉ ngăn ngừa cục máu đông mà còn có tác dụng ngăn các cholesterol xấu bám dính vào thành mạch máu, tránh tình trạng nhồi máu cơ tim do tắc mạch. Các chất xơ có trong quả nho cũng có tác dụng tương tự. Polyphenol cũng là chất chống ôxy hóa, bảo vệ tế bào trước sự phá hoại của các gốc tự do – một trong các yếu tố gây lão hóa và ung thư.
Nho chứa nhiều vitamin (nhất là vitamin C, B và PP) và chất điện giải, rất tốt cho sức khỏe. Đường trong quả nho thuộc dạng dễ hấp thụ, lại không có tính “nóng” như đường mía, đường củ cải.
Bạn có thể dựa theo công thức sau để có một bình rượu nho thơm ngon, sử dụng như một loại rượu khai vị: Nho khô 100 g, kỷ tử 30 g, nhân sâm 30 g, đương quy 10 g, ngâm với 2 lít rượu nếp (30 độ) trong 1 tháng. Uống trước các bữa ăn, mỗi lần 1 chén con 30ml. Rượu thuốc này có tác dụng bổ dưỡng khí huyết.
Để cải thiện khả năng tình dục, có thể thêm vào công thức trên một số dược liệu khác như nhục thung dung 50 g, ba kích thiên 30 g, dâm dương hoắc 30 g, gừng tươi 10 g. Thang thuốc này nên ngâm với 3 lít rượu trắng.
Lưu ý:
– Nho có hàm lượng đường cao. Vì vậy, không nên ăn quá nhiều trong thời gian dài. Bệnh nhân tiểu đường nên kiêng ăn nho.
– Nho có tác dụng “thông thủy đạo”, lợi tiểu. Vì vậy, những người bị bệnh đái tháo nhạt, tiểu đường, tiêu chảy, lỵ… không nên ăn.